NHỮNG BỨC TRANH GHI ĐẬM DẤU ẤN HÀ NỘI 36 PHỐ PHƯỜNG

 

     Trong thời đại Hội nhập - Phát triển - Toàn cầu hóa, sự giao thoa của các nền văn hoá Ðông Tây đã làm sản sinh ra nhiều trường phái nghệ thuật. Các hoạ sĩ đi tìm những hình thức biểu hiện mới để biểu đạt những tư tưởng của mình, Và nền kinh tế thị trường cũng làm ảnh hưởng tới đời sống nghệ thuật đương đại.

    Họa sĩ Thế Duy không bị cuốn theo những trào lưu hội họa  mới,  mà vẫn lặng lẽ trung thành với bút pháp tả thực một cách vẽ cách nhìn ảnh hưởng của trường phái hội họa cổ điển châu Âu. Tuy nhiên xem tranh của ông ta lại thấy hiện lên tinh thần, tình cảm và những quan niệm thẩm mỹ của người Việt Nam - châu á. Thế Duy đã tạo ra một cách biểu hiện mới. Bằng lối diễn tả rất riêng biệt ông đi sâu khai thác đề tài xã hội - con người - không gian của một Hà Nội xưa cổ kính cách chúng ta đã hơn một thế kỷ. Qua những tác phẩm của ông ta thấy lại được một Hà Nội xưa cần cù êm ả, thanh bình. Nó không vội vàng, tập nập như các thành phố công nghiệp phương Tây. Ðó là Thủ đô Việt Nam cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Một "Hà Nội 36 phố phường" với thiên nhiên hòa quyện, gắn bó trong khung cảnh phố thị trên đường đô thị hóa. Một xã hội nửa phong kiến - thực dân. Văn hóa phương Tây đang du nhập, giao thoa với nền văn hóa Việt Nam bản địa. Những cái còn đọng lại trong ký ức thẩm mĩ của người xem tranh, vẫn là vẻ đẹp nghệ thuật truyền thống, sắc thái dân tộc hiện lên rõ nét . 

     Ðó là những ngôi Ðình - Ðền - Chùa thờ Thần - Phật  mang đầy tính huyền thoai với những kiểu kiến trúc Việt Nam - á Ðông. Những đám rước diễu hành trong phố cổ mang nghi thức tôn giáo - tín  ngưỡng của người Việt. Những kiệu gỗ sơn son thếp vàng, voi, ngựa, võ khí (Bát Bửu), cờ ngũ hành, phường bát âm... mang màu sắc rực rỡ, choáng lộng, tràn ngập sức sống với âm thanh trầm hùng, uy nghi của không khí lễ hội, của những chủ nhân cư dân nông nghiệp.

     Mọc lên trên những con phố cổ chật hẹp là những dẫy nhà thấp, nhỏ, tường vôi loang lổ, mái ngói  rêu phong với những ô cửa sổ và những gian hàng nhỏ bé, sâu hút. Phương tiện giao thông đường phố  là sự kết hợp hỗn tạp đầy tính thủ công bản địa: xe bò bánh gỗ, đòn võng cáng, xe tay kéo, xích lô  đạp. chen lẫn trong dòng chảy là khách bộ hành che ô -đi giày Gia Ðịnh, hoặc đi bộ - chân đất đầu  trần, hoặc quấn khăn mỏ rìu, mỏ quạ... Một bức tranh đường phố sinh động, thiếu luật lệ, đang hướng trên con đường Canh Tân đất nước.

    Cái đẹp của một tác phẩm nghệ thuật, không phải chỉ đánh giá trên cơ sở những ngôn ngữ xa lạ, cầu kỳ, vốn chỉ là phương tiện cho người nghệ sĩ biểu đạt ý tưởng của mình. Dù nó được nhìn nhận dưới góc độ và cung bậc nào đi nữa, bao giờ nó cũng phải được đo bằng tấm  lòng trung thực, xuất phát từ nhịp đập rộn rã của con tim nóng bỏng, đầy xúc cảm về cái đẹp qua  tâm  hồn của người nghệ sĩ. Thế Duy đã đặt chân vào thế giới hữu hình, đầy rung cảm nội tâm về một "Hà Nội 36 phố phường" mà ông yêu dấu. Tác giả đã bộc lộ được vẻ đẹp Hà Nội với một phong cách nghệ thuật mực thước và chân thành.Vì vậy có thể nói tác phẩm của Thế Duy là hiện thân những đứa con tinh thần của nghệ thuật. Và đó cũng chính là bức chân dung tác giả mà ông đã tự bạch trên tác phẩm của mình.

Trần Thức

Nhà nghiên cứu & phê bình nghệ thuật

 

BACKHOMEWELCOMEMUSICSHOWROOMBIOGRAPHYCONTACTVIETNAMENGLISHNEXT